Loài nấm Nhộng trùng thảo
Cordyceps militaris, phân bố ở vùng núi có độ cao từ 2000-3000m so với mực nước biển, có hàm lượng các hoạt chất có hoạt tính sinh học trong quả thể như cordycepin, mannitol, cordypolysaccarid, superoxide dismutise và nhiều thành phần khác tương đương, thậm chí còn cao hơn của loài
Cordyceps sinensis. Nhờ các hợp chất hóa học này giá trị dược liệu chính của loại nấm
Cordyceps militaris được các nhà khoa học thống kê như sau: kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư máu, ung thư phổi, ung thư vú. Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh nấm có hiệu quả trong chữa trị rối loạn chức năng của gan, hạn chế sự lão hoá, các chứng viêm tấy. Ngoài ra còn có tác dụng kìm hãm sự oxy hoá của lipid, lipoprotein và lipoprotein tỷ trọng thấp... Tuy nhiên, loài nấm này có rất ít trong tự nhiên nên việc tìm kiếm và sử dụng Nhộng trùng thảo tự nhiên để làm dược phẩm hay thực phẩm chức năng là vấn đề không khả thi.
Bên cạnh đó, thoái hóa giống là một trong những vấn đề lớn gặp phải trong nuôi trồng Nhộng trùng thảo. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu các chủng được tạo ra từ bào tử phức (multi-spores) hoặc mô tế bào, thời gian bị thoái hóa nhanh hơn, có thể chỉ sau 1 đến 2 lần cấy chuyền. Ngược lại, có thể hạn chế quá trình thoái hóa nếu các chủng nuôi cấy được phân lập từ đơn bào tử. Khi nuôi trồng nấm
Cordyceps militaris bằng phương pháp phân lập mô tế bào. Kết quả quan sát cho thấy từ thế hệ thứ 5 đa xuất hiện những dấu hiện ban đầu bị thoái hóa giống. F8 có những đặc điểm rõ ràng của thoái hóa giống như: màu sắc quả thể nhạt dần, số lượng quả thể giảm, hình thành quả thể đệm (synnemata) màu trắng.
Do đó, việc nghiên cứu nuôi trồng nhân tạo bằng phương pháp nuôi cấy đơn bào tử và duy trì tính trạng ra quả thể Nhộng trùng thảo là rất cần thiết, đây là cơ sở để bảo tồn được nguồn gen quý và cung cấp nguyên liệu có giá trị cho ngành y dược.
Cordyceps militaris được nuôi trong môi trường dịch thể để thu sinh khối và nuôi trong môi trường cơ chất rắn để thu quả thể. Nuôi trồng nhân tạo quả thể nấm Nhộng trùng thảo được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ... và mang lại lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp và người nuôi trồng nấm.
Vừa qua, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao, trường Đại học Đà Lạt đã bước đầu thành công trong việc phân lập các dòng đơn bào tử, theo dõi tính trạng ra quả thể của các dòng đơn bào tử cũng như các dòng lai tạo (mating) giữa các dòng sợi đơn nhân của nấm
Cordyceps militaris. Mặc dù có sự khác biệt về hình thái và tốc độ phát triển hệ sợi nấm của các dòng đơn bào tử, 100% các dòng đơn bào tử phân lập được đều có khả năng cho ra quả thể trên môi trường cơ chất hạt ngũ cốc. Bên cạnh đó, sự hình thành quả thể của các tổ hợp mating giữa các dòng đơn bào tử cũng các kết quả khả quan. Hiệu suất sinh học đạt 40-50%. Ngoài ra, thời gian nuôi trồng thu quả thể ngắn hơn bình thường trung bình từ 15-20 ngày.
Một số hình ảnh quả thể Nhộng trùng thảo thu được trong quá trình nghiên cứu tại Viện NC&UD NNCNC:
Kết quả thu được qua bước đầu nghiên cứu của chúng tôi là cơ sở tham khảo cho những nghiên cứu tiếp theo về sự thoái hóa tính trạng ra quả thể của
Cordyceps militaris qua các thế hệ nuôi trồng các dòng đơn bào tử cũng như đa bào tử. Từ đó chủ động được nguồn giống chất lượng cung cấp cho việc sản xuất Nhộng trùng thảo bằng phương pháp nuôi trồng nhân tạo.
Viện NC&UD Nông nghiệp Công nghệ cao